Cá hồng két hay còn gọi là cá Két đỏ, cá huyết anh vũ, còn được biết đến với tên gọi tiếng Anh là blood parrot, parrot cichlid, bloody parrot. Cá có hình dạng tròn trĩnh với đôi má phúng phính và miệng nhỏ đáng yêu được nhiều người chơi cá ưa chuộng. Vì thuộc họ cá rô lại to lớn nên không hợp với bể thủy sinh có nhiều cây cối. Cá thường được nuôi phối hợp với các loài cá lớn khác như tai tượng, rồng, chép…
1. Thông tin chung:
- Tên tiếng Anh: Blood Parrot, Red Parrot
- Tên khoa học: Cá không có tên khoa học chính thức, là kết quả lai tạo trong họ Cichlid.
- Nhiệt độ: 21 – 28 độ C
- pH: 6 – 8
- Kích thước trưởng thành: 17-20cm
- Nguồn gốc: được lai tạo tại Đài Loan từ năm 1986 và nhập nội từ năm 1990
- Tính ăn: Ăn tạp
- Tầng nước ở: Giữa.
- Sinh sản:
- Sinh sản: cá bắt cặp với nhau và đẻ trứng, song khó nở thành con.Cá hồng két lai thường bị bất thụ do con đực không thể thụ tinh cho trứng. Một số ít cá hồng két nhập nội có thể sinh sản được ở Việt Nam nếu cá thể đực ở dạng thuần chủng hoặc tạp giao gần. Hiện nguồn cá đẹp và đúng nghĩa” hồng két chủ yếu từ nhập khẩu
2. Đặc điểm:
Cá hồng két thực chất đẹp nhất nếu được nuôi theo đàn trong một cái bể lớn. Vì không gian rộng lớn sẽ giúp cá thoải mái, tự do bơi hạn chế va chạm. Cá hồng két trưởng thành có chiều dài từ 17 – 20cm. Loài cá này không có môi trường sống tự nhiên của riêng chúng vì là sản phẩm lai tạo. Cá hồng két có đặc tính là chịu lạnh kém nên nước trong bể bắt buộc phải duy trì nhiệt độ từ 21 – 28 độ C, độ PH từ 6.0 – 8.0, độ cứng nước 2 – 2.5. Điều kiện này giúp cá nhanh lên màu đẹp. Nhiệt độ nước quá lạnh màu đỏ của cá sẽ nhạt dần. Cá hồng két rất dễ bị sốc nhiệt và khi đó sẽ có các đốm đen trên thân. Do đó hãy tránh để nhiệt độ nước mới và cũ quá chênh lệch.
Cá Hồng Két có kích thước khá lớn nên nên nuôi trong bể 70cm trở lên. Trong bể cần có bộ lọc sục khí thường xuyên. Ngoài ra cần cho thêm nhiều chỗ ẩn nấp (hốc đá, gỗ). Cá hồng két không hợp nuôi trong bể có cây thủy sinh. Nguồn ánh sáng trong bể nên từ vừa đến yếu. Cá hồng két là loài ăn tạp nên thức ăn chính của chúng rất đa dạng: giun, tôm nhỏ, hạt hoặc thịt băm nhỏ. Thậm chí thức ăn thừa của cá khác chúng vẫn có thể ăn. Thực tế bạn có thể cho cá hồng két ăn thức ăn sống, thức ăn khô hoặc đồ đông lạnh.
Chúng có kích thước to nên thường được nuôi phối hợp với các loài cá lớn khác như tai tượng, rồng, chép…
Cá hồng két trong thời kỳ sinh sản rất hung dữ vì bảo vệ lãnh thổ. Do đó khi vào mùa sinh sản của cá hồng két nên tách chúng riêng với các loài khác. Chúng bắt cặp và đẻ trứng song trứng rất khó nở.